Những loại thức ăn gây hại cho răng cần tránh
Tránh những đồ ăn bám dính như nho khô, sung khô, bánh yến mạch hoặc bơ đậu phộng, kẹo dẻo, mật ong, mật mía. Nếu bé ăn các loại thực phẩm này, tốt nhất hãy đánh răng ngay sau khi ăn.
Cho trẻ ăn đồ ngọt trong bữa ăn chính, chứ không nên là các bữa ăn nhẹ. Nếu bạn dự định cho bé ăn bất cứ loại đồ ngọt nào, hãy cho trẻ ăn như món tráng miệng ngay sau bữa ăn. Lúc này một lượng lớn nước bọt sẽ được tiết ra, giúp dễ dàng vệ sinh thức ăn ra khỏi răng. Uống nước giải khát trong bữa ăn cũng giúp làm sạch các mảng bám thức ăn trên răng.
Hạn chế thức ăn nhanh nhiều nhất có thể. Tần suất ăn vặt ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng còn hơn là số lượng đồ ngọt tiêu thụ. Nếu không đánh răng ngay sau đó, vi khuẩn sẽ phát triển tăng mảng bám và gây sâu răng.
Tránh thực phẩm có đường bám lâu dài trên răng như kẹo mút, kẹo cứng, thuốc ho si-rô chứa đường và kẹo bạc hà đều góp phần làm sâu răng.
Cho con uống nước thường thay vì sữa có đường, nước trái cây, nước ngọt hoặc soda trước khi ngủ, vì chúng có chứa đường không tốt cho răng. Nước lọc không làm hại răng và giúp làm sạch các mảng thức ăn bám vào răng.
Những loại thức ăn tốt cho răng
Một chế độ ăn uống tốt là điều cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Hầu hết tất cả các loại thực phẩm, bao gồm cả sữa hoặc rau quả, đều chứa các loại đường gây sâu răng. Do vậy để giúp kiểm soát lượng đường mà bé tiêu thụ, hãy chọn thực phẩm và đồ uống có ít đường.
Theo MyPlate (một trang web từ Trung tâm Chính sách Dinh dưỡng Hoa Kỳ), một chế độ ăn uống cân bằng cho bé nên bao gồm:
- Hoa quả và rau: nên chiểm một nửa số thực phẩm bé ăn hàng ngày.
- Ngũ cốc: Đảm bảo ít nhất một nửa số ngũ cốc là ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như bột yến mạch, bánh mì nguyên cám và gạo lứt.
- Sản phẩm bơ sữa: Chọn thực phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo.
- Protein: thịt bò nạc, thịt gia cầm bỏ da và cá.
Cố gắng thay đổi các lựa chọn protein bao gồm cả trứng, đậu, đậu Hà Lan và các loại đậu. Ăn ít nhất hơn 225gr hải sản một tuần.
Bé bú bình, bú mẹ ban đêm
Bú bình có thể gây ra hội chứng sâu răng nếu như bé không được cho bú bình đúng cách.
Định nghĩa:
Sâu răng do bú bình hay gặp ở răng trước hàm trên nhưng cũng có thể gặp ở những răng khác.
Hội chứng sâu răng do bú bình là một tình trạng sâu răng sớm nhiều răng, thường gặp ở các trẻ nhỏ 2-4 tuổi, đặc trưng là sâu răng tiến triển và lan nhanh, có liên quan đến thói quen bú bình với các sản phẩm có đường liên tục và kéo dài.
Tương tự, bú mẹ qua đêm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng sâu răng sớm ở nhiều răng vì cũng liên quan đến việc sử dụng sản phẩm có đường liên tục và kéo dài.
Nguyên nhân bú bình/bú mẹ qua đêm có thể gây sâu răng
Có 4 yếu tố chính làm nên sâu răng:
- Răng.
- Vi khuẩn.
- Chất đường.
- Thời gian (theo sơ đồ Key).
Bú bình/ bú mẹ qua đêm là yếu tố làm chất đường này nếu liên tục tồn tại trong miệng. Như vậy đã góp phần gây sâu răng mạnh mẽ.
Những trẻ bú bình, bú mẹ qua đêm thường không vệ sinh miệng trước không đi ngủ, hoặc có vệ sinh rồi nhưng vẫn bú bình/ bú mẹ qua đêm thì cũng giống việc không vệ sinh, chất đường còn tồn tại trên niêm mạc, trên răng sẽ tạo điều kiên cho vi khuẩn chuyển hóa đường thành acid, làm cho pH miệng duy trì ở mức thấp và tiến trình sâu răng sẽ xảy ra.
Diễn tiến:
Sâu răng lan nhanh: sâu răng xuất hiện đột ngột, lan rộng trên nhiều răng, tổn thương tiến triển nhanh chóng đến tủy răng và xảy ra trên cả các răng thường được cho là miễn nhiễm với sâu răng dạng thông thường.
Vị trí tổn thương: Thường bắt đầu ở các răng cửa và răng nanh sữa hàm trên, ở mặt ngoài và mặt bên, vùng cổ răng ít gặp hơn. Đối với các răng sau sữa thì thường bị ở mặt nhai trước. Nếu không điều trị kịp thời các răng ở dưới cũng bị tổn thương. Các răng cửa dưới được bảo vệ bởi lưỡi và có thể được làm sạch nên ít bị tổn thương hơn.
Đau: Đau nhiều, đau tăng lên trong các bữa ăn. Trẻ còn nhỏ nên không thể xác định được chính xác vị trí đau, đôi khi chỉ biết diễn đạt bằng sự sợ hãi, giận dữ và các rối loạn hành vi khác.
Cách giải quyết:
- Loại bỏ thói quen bú bình/ bú mẹ ban đêm.
- Tập cho trẻ uống sữa, nước trái cây,… bằng cốc khi bé được 1 tuổi.
- Nên cho trẻ bú bình/ bú mẹ trước khi đi ngủ, sau đó vệ sinh răng miệng sạch sẽ rồi mới đi ngủ.
- Chải răng cho bé từ khi chiếc răng đầu tiên mọc đúng cách.
- Cho bé ăn thực phẩm bổ dưỡng, hạn chế quá nhiều đường trong bữa ăn.
- Thăm khám nha sĩ định kì từ khi bé mọc chiếc răng đầu tiên để được tư vấn kĩ càng và đầy đủ.
Độ thô của thức ăn
Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Anh và Viện Nhi khoa của Mỹ đã trả lời rằng: cấu trúc thức ăn không phụ thuộc vào số răng bé có, mà nó liên quan đến sự phát triển não bộ theo độ tuổi. Cấu trúc thức ăn theo độ tuổi như sau:
Hiệp hội dinh dưỡng lâm sàng Anh và Viện Nhi khoa của Mỹ đã trả lời rằng: cấu trúc thức ăn không phụ thuộc vào số răng bé có, mà nó liên quan đến sự phát triển não bộ theo độ tuổi. Cấu trúc thức ăn theo độ tuổi như sau:
- Từ bắt đầu ăn dặm – hết 6 tháng tuổi: Cấu trúc thức ăn dặm nên ở dạng mịn, rây nhuyễn, có độ loãng, nhiều nước.
- Cháo thì tỷ lệ 1:10 [1 muỗng gạo: 10 muỗng nước. Thịt cá rau củ cũng xay nhuyễn, mịn va rây. Nấu cháo đúng tỷ lệ trước, sau đó trộn chung với thức ăn.
- Từ 7 – 8 tháng tuổi: cấu trúc thức ăn nên chuyển sang dạng cháo đặc hơn, ít loãng, có hình khối (không cần rây). Thịt cá rau củ xay nát (không cần rây).
- Từ 9- 11 tháng tuổi : Cấu trúc thức ăn dặm nên là dạng cơm nát (cơm nấu dẻo (không quá sệt) cà nát bằng muỗng hoặc bằng tay). Thịt cá có thể cà nát bằng muỗng hoặc xé nát bằng tay. Rau củ thì cắt nhỏ, lát mỏng.
- Sau 12 tháng tuổi: cấu trúc thức ăn bé đã hoàn chỉnh, bé có thể chuyển dần sang cơm hạt dẻo bình thường, thịt cá xé hoặc cắt nhỏ. Cha mẹ có thể thay đổi cháo, cơm, mì bún để đa dạng cấu trúc cho bé vì lúc này bé nào đã quen và đổi đúng cấu trúc thì việc đa dạng là làm bé làm quen dần với thức ăn người lớn sau này.
Bé chưa có răng có nhai được không?
Thông thường, 6 tháng là độ tuổi mọc răng của trẻ nhưng có những bé phát triển chậm, đến tháng thứ 6,7,8 thậm chí 9 tháng vẫn chưa mọc răng. Tuy nhiên, theo WHO, từ 6 tháng tuổi là độ tuổi ăn dặm lý tưởng vì bắt đầu từ giai đoạn này trẻ cần dưỡng chất từ nhiều nguồn khác ngoài sữa mẹ để có thể phát triển toàn diện, chóng khôn lớn hơn, nên dù chưa mọc răng, mẹ vẫn có thể bắt đầu cho con tập ăn dặm với đa dạng các loại món ăn khác nhau.
Nướu răng ở trẻ rất khác so với nướu của người lớn tuổi, nướu trẻ thường rất cứng bởi dưới nướu đã có mầm răng nên dẫu chưa mọc các răng nhưng trẻ vẫn có thể nhai bình thường. Dù vậy cũng rất khó cho bé xử lý thức ăn cứng và dai, có thể làm tổn thương nướu trẻ. Cha mẹ nên chọn thức ăn có độ cứng và dai phù hợp với bé để giúp trẻ học kỹ năng nhai dễ dàng, nhanh hơn. Cha mẹ nên nấu thức ăn hơi kĩ một chút để thức ăn có thể mềm hơn đế bé dễ nghiền thức ăn hơn. Các thực phẩm dai như thịt bò, thịt lợn, bố mẹ nên băm nhỏ, làm thịt viên thì bé sẽ dễ nhai hơn.
Làm gì khi trẻ mê ăn kẹo/ đồ ngọt?
Đồ ăn ngọt đã qua chế biến như bánh, kẹo, đường sữa …là những đồ ăn ưa thích của không ít người, nhất là với trẻ nhỏ. Tuy nhiên điều đáng nói là nhóm đồ ăn này là thủ phạm gây nên nhiều chứng bệnh nguy hiểm, điển hình có thể kể đến là chứng bệnh tim mạch, cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, khiến răng bị sâu hoặc xỉn màu…
Vì thế cắt giảm và điều tiết những đồ ăn ngọt là điều cần thiết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nếu con bạn là một đứa trẻ “hảo ngọt” bạn có thể áp dụng những chiêu thức sau để giúp bé cắt giảm với loại đồ ăn này:
Với trẻ dưới 3 tuổi:
Nói chuyện dinh dưỡng với trẻ là cách không đem lại kết quả. Trẻ thực sự còn nhỏ để hiểu sức khỏe là gì. Thay vì nói “không” mẹ có thể đánh lạc hướng bằng cách mời trẻ một món ăn khác từ hoa quả. Nếu không có tác dụng, hãy bế trẻ ra khỏi khu vực trẻ biết mẹ hay cất đồ ngọt.
Tiếp theo, lấy cho trẻ một đồ chơi bé yêu thích. Vẫn không có tác dụng? Vậy hãy tìm mọi cách để trì hoãn: đi tắm, ra ngoài đi dạo, cùng chơi một trò yêu thích của bé… Độ tuổi này, bạn không quá khó để làm bé phân tâm.
Với bé từ 4-5 tuổi trở lên:
Bạn có thể giải thích cho trẻ về sức khỏe theo cách dễ hiểu. Ở độ tuổi này bạn đã có thể dễ dàng giải thích cho trẻ hơn. Ngoài ra, hãy áp dụng mẹo này của cô Doreen-chuyên gia dinh dưỡng người Đức:
Bạn tạo cho trẻ một chiếc hộp, cho tất cả đồ ngọt, bánh kẹo… mà trẻ được phép ăn vào đó và giao cho trẻ.. Nhưng bạn cần thiết lập một nguyên tắc rõ ràng trước:
“Đây là chiếc hộp đựng bánh kẹo của con. Con được quyền giữ chiếc hộp và đó là chỗ đồ ăn cho một tuần/một ngày (thời gian, số lượng tùy bạn chọn). Nếu con ăn hết trước thời hạn, thì con sẽ không được nhận thêm nữa”.
Từ 4-5 tuổi, nhu cầu khẳng định mình của trẻ rất rõ rệt. Khi bạn trao cho trẻ quyền quản lý chiếc hộp với đồ ăn yêu thích, trẻ sẽ rất tự hào và sẽ thể hiện cho bạn thấy mình là người rất có trách nhiệm.
Giảm bớt lượng kẹo/ đồ ngọt ở trẻ là một quá trình dài và đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn. Cha mẹ nên bắt đầu dần dần và từ từ: Không nên đột ngột bắt trẻ phải từ bỏ thói quen ăn đồ ngọt vì điều đó sẽ khiến trẻ bị hẫng và khó chấp nhận. Thậm chí nó còn kích thích những cơn thèm ăn đồ ngọt của bé trở nên dữ dội và khó “cai” hơn. Ta nên thay thế kẹo/ đồ ngọt không lành mạnh bằng thực phẩm khác lành mạnh hơn như:
- Các loại hạt ăn dặm như hạt bí, hướng dương, hạt hoa hồng đen.
- Trái cây không quá ngọt như bơ, chuối, dâu tây, thanh long,… để bé học mùi vị và lấy chất dinh dưỡng từ tự nhiên.
- Sữa chua và phô mai.
- Tự làm các loại bánh cho bé như cup-cake cà rốt, bí đỏ, khoai lang, hoặc xiên que trái cây hoặc tôm thịt cá.
Bên cạnh đó cha mẹ cần chú ý vào việc vệ sinh răng miệng cho trẻ sau khi ăn kẹo/ đồ ngọt: Sau khi trẻ ăn kẹo, cần cho trẻ súc miệng. Nếu trẻ quá nhỏ thể súc miệng được thì cho trẻ uống một ít nước. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ nên cho con đánh răng sau khi ăn bánh kẹo và đặc biệt không nên cho trẻ ngậm kẹo khi ngủ.
Răng sâu trẻ biếng ăn, trám xong ăn tốt hơn không
Răng sâu trẻ biếng ăn, trám xong ăn tốt hơn không (các vấn đề về biếng ăn suy dinh dưỡng liên quan đến răng miệng)
Ở trẻ có hai nguyên nhân chủ yếu gây biếng ăn có liên quan đến các vấn đề răng miệng:
- Đầu tiên thường gặp ở trẻ nhỏ đang trong độ tuổi mọc răng. Thông thường, khi thấy trẻ đột nhiên biếng ăn kèm theo chảy nước dãi, sưng nướu, hay cắn ngón tay, quấy khóc và khó chịu, bạn cần nghĩ ngay tới những chiếc răng sữa đang mọc.Mọc răng là nguyên nhân gây ra các cơn đau nhức ở miệng, làm trẻ không muốn ăn. Ngoài ra, một số trẻ còn có thể bị tiêu chảy khi mọc răng, khó chịu và giảm cảm giác thèm ăn. Các triệu chứng này thường xuất hiện 3-4 ngày trước khi răng mọc lên, diễn ra trong suốt giai đoạn mọc răng và đến 3 ngày sau khi răng mọc hoàn chỉnh mới biến mất. Để giảm thiểu các triệu chứng cũng như tránh tình trạng trẻ mọc răng biếng ăn, bạn cần thiết lập một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ tiếp nhận món ăn một cách dễ dàng.
- Nguyên nhân thứ hai là sự hiện diện của các tổn thương trong miệng như sâu răng, loét miệng, viêm nướu ở trẻ,… những bệnh này có thể gây ra cơn đau, khó chịu khi ăn nhai và nuốt thức ăn dẫn đến tình trạng chán ăn, lười ăn ở trẻ. Để điều trị tình trạng biếng ăn ở trẻ do các bệnh lý răng miệng, cha mẹ cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ và điều trị sớm các bệnh lý ở răng miệng.
Một số biện pháp đơn giản giúp phòng ngừa bệnh lý răng miệng ở trẻ
- Hướng dẫn trẻ đánh răng thật kỹ 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 3 phút.
- Cho trẻ dùng kem đánh răng có chứa flour và những chất tốt cho răng, nướu.
- Dùng bàn chải đánh răng lông mềm để chải sạch kẽ răng và những chiếc răng ở sâu bên trong.
- Sau 3 – 4 tháng cần thay bàn chải đánh răng cho trẻ.
- Xây dựng một chế độ ăn uống, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Phụ huynh nên hạn chế cho con ăn đồ ăn vặt và những món nhiều đường vì chúng kích thích vi khuẩn gây mảng bám răng miệng phát triển nhanh chóng hơn.
- Định kỳ cho trẻ đi kiểm tra sức khỏe răng miệng mỗi 6 tháng/lần.