Xin được tiếp tục đồng hành cùng các bậc cha mẹ trong hành trình chăm sóc “RĂNG CỦA BÉ” với bài viết: “Hiểu rõ về sâu răng” để chúng ta có thể sớm nhận biết được các dấu hiệu, từ đó có kế hoạch phòng ngừa sâu răng từ trước, cũng như điều trị đúng phương pháp cho trẻ khi bị sâu răng để tránh các hậu quả về sau.

Sâu răng là gì?

Sâu răng là một bệnh nhiễm trùng có thể lây lan, làm tổn hại cấu trúc răng do vi khuẩn sinh acid trong mảng bám.

Sâu răng ở răng sữa khác với răng vĩnh viễn. Hình thể răng sữa có chiều dày men (lớp ngoài cùng) răng sữa mỏng, xốp hơn, buồng tủy lớn hơn so với răng vĩnh viễn. Do đó men răng sữa dễ bị tấn công, mài mòn và dễ phạm đến mô tủy, nơi chứa thần kinh mạch máu nuôi dưỡng răng. Một khi sâu răng lan đến tủy răng sẽ dẫn đến hiện tượng đau nhức, có thể làm trẻ mất ngủ, kén ăn do cắn vào vùng răng tổn thương sẽ đau.

Nguyên nhân sâu răng

Tham khảo: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/tooth-decay-young-children

Chức năng của bộ răng sữa?

Tại sao cần chăm sóc hay trám răng sữa khi rồi sẽ thay răng?

  • Hàm của trẻ nhỏ nên răng sữa phù hợp cho độ tuổi trẻ còn nhỏ, để trẻ ăn nhai, phát âm, tạo thẩm mỹ cho gương mặt trẻ
  • Răng sữa giúp giữ chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên sau này
  • Trám răng là để ngăn chặn việc nhiễm trùng lây lan, nếu để 1 tổn thương sâu răng không trám thì sẽ nguy cơ phạm vào tủy, gây đau nặng nề. Và lúc này điều trị trở nên xâm lấn và tốn kém hơn.

Vậy nên cần quan tâm và chăm sóc răng sữa ngay từ khi chiếc răng đầu tiên nhú lên.

Sâu răng có di truyền không?

Sâu răng là một bệnh đa yếu tố, kết quả từ sự tương tác giữa yếu tố môi trường, hành vi và di truyền. Yếu tố di truyền được làm rõ qua:

  • Cùng yếu tố hành vi giống nhau lại có tỷ lệ sâu răng khác nhau.
  • Yếu tố di truyền góp phần làm trẻ nhạy cảm hơn với sâu răng.

Nhiều công nghệ hiện đại phát triển có thể xác định bố mẹ có gen di truyền có tỷ lệ sâu răng cao. Từ đó có thể theo dõi cũng như đẩy mạnh phòng ngừa cho con của họ.

Nguồn tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3267319/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3580152/

Các dấu hiệu của tổn thương sâu răng?

  • Đốm trắng trên răng.
  • Đốm đen.
  • Nhạy cảm, đau khi ăn nhai, uống nước nóng/lạnh.
  • Hố/lỗ trên răng.
Sâu răng sớm ở trẻ- đốm trắng trên răng.

Sâu răng có thể khởi nguồn rồi tiến triển từ từ, và không phải lúc nào cũng gây đau. Nhưng hậu quả của việc sâu răng thì luôn tồn tại. Do đó khi phát hiện các đặc điểm này trên răng trẻ, phụ huynh nên đưa trẻ đến nha sĩ càng sớm càng tốt.

Răng trẻ bị siết, cùn dần do nguyên nhân gì?

Tình trạng này được gọi là sâu răng (lan tràn) tuổi mầm non, (Early childhood caries), xảy ra ở bộ răng sữa thường thấy ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi. Dù tình trạng này không đe dọa tính mạng nhưng sẽ làm ảnh hưởng nếu trẻ bị đau, kèm ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ.

Dấu hiệu sớm: những đốm trắng đục (chưa tạo lỗ) trên mặt nhẫn của răng (thể hiện mất khoáng men răng), sau đó sâu răng lan nhanh đến các răng sau, tổn hại cấu trúc răng lan đến bờ viền nướu nhiều răng (siết răng, chỉ còn thấy 1 phần ít thân răng trên miệng).

Dấu hiệu sớm đốm trắng đục trên mặt ngoài răng cửa

Đặc điểm: Thường thấy tổn thương màu vàng hoặc nâu ở vùng sâu răng, đặc biệt vùng răng cửa, răng sau hàm trên, tạo lỗ, mở vào tủy răng.

Sâu răng làm tổn hại hết mô răng hàm trên lan đến sát nướu răng.

Sâu răng làm tổn hại hết mô răng hàm trên lan đến sát nướu răng.

Nguyên nhân: Nhiều yếu tố góp phần, thường liên quan nhiều đến chế độ ăn nhiều chất ngọt (bú bình khi ngủ, “gặm” thức ăn vặt liên tục,…) và thói quen vệ sinh răng miệng kém.

Một tình trạng cần lưu tâm: bú bình khi ngủ. Cho trẻ bú cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh là tốt, tuy nhiên tần suất và thời gian kéo dài khi trẻ đã lớn sẽ làm tổn hại răng của trẻ, đặc biệt nguy cơ sâu răng tăng cao sau 12 tháng tuổi.

Điều này được giải thích vì: khi ngủ lượng nước bọt giảm và tăng lượng đường trong miệng từ sữa (đặc biệt là lactose).

Hậu quả của sâu răng ở trẻ (đặc biệt khi sâu răng lan tràn)?

  • Trẻ đau, áp xe răng ở một hoặc nhiều răng, quấy khóc, khó ngủ
  • Một số tình trạng sâu răng làm lan nhiễm trùng cần phải điều trị khẩn
  • Chán ăn vì ăn vào đau, từ đó không lớn được về cân nặng và chiều cao
  • Một số điều trị sẽ phải nhổ răng sớm, dẫn đến ảnh hưởng đến thẩm mỹ, ăn nhai, phát âm và phát triển xương hàm mặt sau này sẽ không hài hòa
  • Điều trị toàn diện những trẻ sâu răng lan tràn sẽ rất tốn kém về chi phí và cần nhiều thời gian, nỗ lực của phụ huynh, hợp tác của bé và nha sĩ.
Sâu/đau răng khiến trẻ không ăn được

Phòng ngừa sâu răng cho trẻ

Quan trọng nhất là GIÁO DỤC NHA KHOA, bao gồm:

  • Liên hệ sức khỏe mẹ và trẻ (yếu tố di truyền trong nguyên nhân gây sâu răng).
  • Hướng dẫn chế độ ăn: Tăng cường thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thêm đường vào bình, hạn chế thức ăn ngọt/dính, tập cai bú bình cho trẻ (sau 12h tháng tuổi).
  • Hướng dẫn vệ sinh răng miệng: chú ý phải bắt đầu chải răng cho trẻ từ khi răng sữa đầu tiên mọc lên, thăm khám răng miệng lần đầu vào năm 1 tuổi.
  • Tiếp xúc thường xuyên với Fluor tại chỗ.

Các phương pháp điều trị sâu răng ở trẻ?

Các nhiều loại hình can thiệp, tùy thuộc vào diễn tiến sâu răng, tuổi của trẻ, độ hợp tác, bệnh sử toàn thân của trẻ… nha sĩ có thể lựa chọn phương pháp phù hợp.

  • Trám: giúp loại trừ phần lớn vi khuẩn.
  • Mão tạm, mão làm sẵn, mão ssc được dùng cho phục hồi các răng cối sữa, có thể được chỉ định cho trẻ để phục hồi răng có tổn thương sâu răng hay bất thường cấu trúc răng.
  • Trám bít hố rãnh.
  • Bôi các sản phẩm có chứa Fluor cho trẻ: vecni, SDF,…
  • Dùng Fluor tại nhà: kem đánh răng, nước súc miệng có fluor.
  • Tái khám nha sĩ mỗi 3 -6 tháng.
Mão SSC
Bôi vecni cho trẻ

Tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30063145/
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3633299/

Tại sao nên cho bé đi khám răng miệng vào lúc 1 tuổi?

Khám răng cho trẻ vào năm trẻ 1 tuổi có thể đánh giá được mức độ nguy cơ để có thể tham vấn cho phụ huynh việc ngăn ngừa sâu răng, cũng như được giáo dục nha khoa càng sớm càng tốt càng có lợi.

  • Trẻ nguy cơ thấp có thể không cần phải can thiệp
  • Trẻ nguy cơ trung bình có thể yêu cầu làm ngừng diễn tiến sâu răng cũng như trám lại các tổn thương sâu răng, như các đốm trắng trên men răng có thể điều trị bằng biện pháp phòng ngừa
  • Trẻ nguy cơ cao cần can thiệp kịp thời cũng như hỗ trợ ngừng lan tràn sâu răng, kèm trám các tổn thương để tránh làm sâu răng tiến triển thêm.

Tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3633299/

Leave a comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chat ngay với chúng tôi!
Liên hệ hotline để được tư vấn!