Răng sữa của bé gồm 20 chiếc răng bao gồm răng cửa răng, răng nanh và răng hàm. Chúng sẽ dần rụng đi và được thay thế bằng các răng vĩnh viễn tương xứng. Quá trình mọc răng vĩnh viễn ở trẻ cần được bố mẹ theo sát để đảm bảo răng phát triển bình thường, không bị lệch lạc hay sai lệch khớp cắn làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng về sau.
Khi nào thì bé thay răng?
Răng vĩnh viễn đầu tiên mọc là răng cối lớn thứ nhất hàm dưới, mọc khi trẻ 6 tuổi. Tiếp đó răng cối lớn thứ nhất hàm trên sẽ mọc để ăn khớp với răng cối lớn thứ nhất hàm dưới. Sau đó các răng vĩnh viễn khác sẽ lần lượt được thay thế khi răng sữa rụng đi theo thứ tự:
- Hàm trên: răng cửa giữa-răng cửa bên-răng tiền cối-răng nanh-các răng cối lớn còn lại.
- Hàm dưới: răng cửa giữa – răng cửa bên – răng nanh – răng tiền cối – răng cối lớn còn lại.
Cụ thể xem hình bên dưới:
Nếu bé 10 tuổi mà chưa mọc đủ các răng cửa vĩnh viễn là bị chậm mọc. Cha mẹ nên cho bé đến khám tại chuyên khoa Răng Hàm Mặt, chụp phim răng để khảo sát tình trạng mầm răng trong xương hàm.
Có phải răng sữa đẹp sau này thay răng sẽ không đẹp?
Răng sữa dù xấu hay đẹp thì sẽ không làm răng vĩnh viễn bị lệch lạc hoặc mọc khấp khểnh,….
Răng sữa đôi khi chỉ mang tính chất dự báo kết quả mọc răng vĩnh viễn nữa. Ví như trong những trường hợp các bé có răng sữa mọc đều, khít và san sát nhau thì rất có thể khi thay răng, răng vĩnh viễn sẽ gặp phải vấn đề thiếu chỗ, làm cho các răng sẽ mọc lệch. Còn nếu các răng sữa mọc rời rạc nhau, răng này cách xa răng kia thì rất có thể khi răng vĩnh viễn mọc lên sẽ rất đẹp và không có sự chênh lệch lắm. Nhưng chỉ là dự báo, còn cụ thể phải tùy từng trường hợp, tùy từng bé, không thể khẳng định chắc chắn vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: độ lớn khe hở, độ lớn răng của bé,….
Nhưng trong trường hợp răng sữa của bé bị mất quá sớm so với thời gian răng vĩnh viễn mọc thì nó sẽ làm chậm hoặc gây ảnh hưởng tới quá trình mọc răng vĩnh viễn, có thể làm cho răng vĩnh viễn có những lệch lạc nhất định hoặc không thể mọc lên trên cung hàm. Do vậy, khi mất răng sữa sớm hơn 6 tháng so với thời gian mọc răng vĩnh viễn, cần đến bác sĩ để được thăm khám và có những can thiệp kịp thời.
Tại sao bé đã mất răng sữa lâu rồi mà răng vĩnh viễn vẫn chưa thấy mọc lên?
Thời gian thay răng trung bình từ thời điểm chiếc răng sữa rụng cho đến khi chiếc răng vĩnh viễn mọc lên là khoảng 4 tuần đối với răng một chân (răng cửa, răng nanh) và khoảng 6 tháng đối với các răng còn lại
Nếu sau khoảng thời gian này, cha mẹ vẫn không thấy răng của bé mọc lên. Nguyên nhân có thể là do:
- Nướu răng dày và xơ hóa: đây là tình huống khá phổ biến. Vì một lí do nào đó làm nướu răng dày lên và cứng chắc khiến răng vĩnh viễn không xuyên thủng để mọc qua được.
- Răng vĩnh viễn ngầm hoặc lạc chỗ: khi mầm răng vĩnh viễn mọc ngầm, mọc ngang thì chúng sẽ không thể tách rời nướu đâm lên được.
- Thiếu mầm răng: khi thiếu mầm răng đồng nghĩa với việc răng sẽ không bao giờ mọc lên.
- Răng vĩnh viễn bị cứng khớp: tình huống này khá hiếm gặp. Đó là chân răng vĩnh viễn dính hẳn vào xương và không dịch chuyển được. Để chẩn đoán trường hợp này, cần chụp phim Xquang. Ngoài ra cần có sự theo dõi cẩn thận của một bác sĩ Răng Hàm Mặt.
Khi gặp trường hợp răng vĩnh viễn của bé chậm mọc sau khi nhổ răng sữa, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
Răng vĩnh viễn mọc rồi nhưng răng sữa chưa rụng thì phải làm sao?
Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là:
Do thói quen ăn uống của trẻ
Hầu hết mọi trẻ em đều thường rất kén ăn, ăn chậm. Bố mẹ thường nuông chiều, không biết cách giải quyết nên thường cho con ăn những thức ăn nhẹ, cắt nhỏ, nấu nhuyễn… Những thực phẩm này không cần nhai mà vẫn có thể nuốt, lâu dành hình thành thói quen xấu cho bé.
Khi những chiếc răng sữa cửa không được sử dụng nhiều, không bị mài mòn thì sẽ rất khó lung lay. Vậy nên trong một vài trường hợp răng sữa chưa thay răng vĩnh viễn đã mọc.
Do răng cửa mọc lệch
Tình trạng răng cửa mọc lệch sẽ khiến cho răng bên cạnh mọc lên, xen vào chân răng cửa hoặc mọc lệch về phía trong hàm.
Việc răng sữa chưa thay răng vĩnh viễn đã mọc sẽ dẫn đến tình trạng xô đổ hàm răng và xuất hiện tình trạng “hàm răng đôi” (răng sữa và răng vĩnh viễn đều mọc cùng lúc). Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mỹ hàm răng của bé. Đồng thời còn là nguyên nhân phát sinh nên rất nhiều bệnh lý răng miệng khác.
Đối với từng tình trạng, bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Muốn điều trị nhanh chóng và ít tốn kém bạn nên tiến hành điều trị càng sớm càng tốt. Dưới đây là những thông tin cụ thể để khắc phục triệt để những vấn đề xấu phát sinh.
Xử lý tính trạng răng sữa vẫn chưa rụng khi bắt đầu mọc răng vĩnh viễn
Đối với trẻ nhỏ khi mới mọc răng vĩnh viễn
Đối với trẻ em, phương pháp điều trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Thông thường qua quá trình thăm khám và điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị tốt nhất:
Dựa vào tình hình lệch lạc của răng, bác sĩ sẽ quyết định có nên nhổ bỏ đi những chiếc răng sữa hay không. Không những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ nhổ đi để chừa chỗ cho những răng vĩnh viễn.
Sau khi nhổ bỏ răng sữa, bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh giúp bé hình thành thói quen đẩy lưỡi để đưa những răng vĩnh viễn về đúng vị trí.
Sau khi điều trị xong, phụ huynh cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng của bé. Nên quan sát mỗi khi bé đánh răng để đảm bảo loại bỏ hết các mảng bám gây hại, giúp bảo vệ răng miệng tốt nhất.
Đối với người lớn khi răng đã mọc gần hoàn thiện
Phương pháp điều trị khi tuổi đã trưởng thành sẽ có sự khác biệt với trẻ em. Lúc này, răng vĩnh viễn đã mọc lớn và ổn định thì sẽ rất khó để chúng trở về vị trí cũ. Cách điều trị hiệu quả chính là:
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và nhổ đi những chiếc răng sữa thừa.
Sau khi nhổ, tình trạng răng của bạn sẽ bị lệch lạc nhất định. Để có thể khắc phục tình trạng này, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp niềng răng để kéo răng vĩnh viễn về vị trí.
Răng vĩnh viễn mọc lên không đều
Để chẩn đoán đúng tình trạng, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Tại đây, trẻ sẽ được đánh giá, thăm khám để xác định đúng tình trạng “không đều” và điều trị đầy đủ. Vì “không đều” là một từ chung chung, bác sĩ cần đánh giá cụ thể như: sai khớp cắn, chen chúc, cắn hở, cắn chìa nhiều,… để có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng tình trạng và đưa ra lời khuyên đúng đắn nhất cho gia đình.